Cái kết đắng cho cô gái trẻ 6 tháng chỉ ăn thịt để giảm cân
Nghe theo bạn bè thực hiện phương pháp giảm cân được ăn thịt thoải mái, cô gái trẻ không ngờ phải nhập viện vì xuất huyết dạ dày.
Giảm cân khoa học là một quá trình không hề dễ dàng, phải được kết hợp giữa lượng calo nạp vào (ăn kiêng khoa học) và lượng calo tiêu hao (tập thể dục). Nhưng cuộc sống bận rộn ngày nay không cho phép con người có nhiều thời gian đầu tư vào việc giảm cân an toàn, họ thường tìm đến những phương pháp nhanh gọn, thấy rõ hiệu quả chỉ trong thời gian ngắn.
Cô gái bị chảy máu dạ dày vì chế độ giảm cân toàn thịt
Changjiang Daily News vừa đưa tin một cô gái 25 tuổi đến từ Quảng Châu đã giảm được 25kg trong 6 tháng bằng cách chỉ… ăn thịt. Không uống thuốc, không hút mỡ, không nhịn ăn, không tập thể dục, vậy mà A Feng từ một người béo phì 77 kg trở thành cô nàng mảnh mai chỉ còn 52 kg.
Tuy nhiên, điều không ngờ rằng sau khigiảm cân, cô gái trẻ cũng phải vào viện cấp cứu vì chảy máu dạ dày.
A Feng bị chảy máu dạ dày vì chế độ ăn giảm cân
Các bác sĩ trực tiếp điều trị cho A Feng cho biết, khi nhập viện lớp niêm mạc dạ dày của cô bị tổn thương nghiêm trọng. Không chỉ vậy, hệ tiêu hóa của cô cũng yếu hơn nhiều so với người thường. Nguyên nhân được xác định do chế độ ăn uống không khoa học trong thời gian dài gây nên.
Chia sẻ với bác sĩ, A Feng cho biết, cô từ nhỏ đã có vóc dáng mập mạp nên rất khao khát giảm cân. Cô từng uống thuốc giảm cân và cắt bỏ tinh bột trong chế độ ăn hằng ngày nhưng cân nặng không xuống nhiều. Sau đó khi được bạn bè giới thiệu phương pháp giảm cân Keto (giảm cân bằng cách ăn thịt) cô liền hào hứng thử.
Thời gian đầu A Feng xuống cân rất nhiều, ngay cả cô cũng ngạc nhiên vì phương pháp tưởng như phi lý này lại hiệu quả tốt đến vậy. Sau 6 tháng, A Feng cuối cùng cũng được như ước nguyện khi giảm đc tới 25kg nhưng sự việc không dừng ở đó.
Cô liên tục bị đầy bụng, khó tiêu, đi ngoài không kiểm soát. Những ngày gần đây, các cơn đau bụng đến dồn dập, đến khi không chịu được nữa phải nhập viện thì A Feng đã bị chảy máu dạ dày.
Phương pháp giảm cân nhờ ăn thịt mà A Feng áp dụng là gì?
Những thực phẩm được phép ăn và không ăn theo phương pháp Keto
Gần đây, trên mạng xã hội rầm rộ truyền tay nhau phương pháp giảm cân có tên là Ketogenic Diet (ở Việt Nam thường gọi ngắn gọn là Keto) vừa có thể ăn thỏa thích lại vừa có thể… gầy đi.
Thậm chí một số cô gái còn nói rằng phương pháp giảm cân Keto có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường và chống ung thư. Nhưng các chuyên gia dinh dưỡng và nội tiết học cho rằng đây là phương pháp không phải ai cũng thực hiện được.
Cai Hồng Linh - giám đốc Cục dinh dưỡng lâm sàng Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán, nói rằng chế độ ăn Keto là phương thức ăn uống nhiều chất béo, ít carbohydrate, vừa phải protein. Lượng carb hấp thụ một ngày của bạn chỉ được giới hạn trong 20g carb thuần (net carb = tổng carb - chất xơ) - nghĩa là cực thấp.
Điều này đồng nghĩa với việc bạn không được ăn bánh mì, bánh quy, cơm, rau giàu tinh bột, phần lớn trái cây hay bất cứ loại đường bổ sung nào. Quả mọng là loại trái cây duy nhất mà bạn có thể đưa vào thực đơn hàng ngày mà không sợ vượt quá giới hạn 20g carb thuần.
Cai Hồng Linh khuyến cáo nếu muốn giảm cân theo phương pháp Keto phải hỏi ý kiến bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng. Bởi vì chính cô cũng từng thử phương pháp giảm cân Keto vào năm 2014, phải thừa nhận hiệu quả giảm cân rõ rệt, nhưng chế độ ăn nhiều thịt khiến bụng khó chịu và tác động không tốt đến chức năng gan và thận.
Khi bắt đầu Keto, bạn sẽ phải trải qua một thời gian khó khăn để thích nghi, nhiều người sẽ cảm thấy đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, táo bón... Các triệu chứng này thường giảm nhẹ sau vài tuần. Còn Keto dài hạn khiến cơ thể thiếu chất natri, kali, magiê, canxi, vitamin và chất xơ, tăng nguy cơ bị bệnh xương, tim mạch và thận.
Trong một nghiên cứu vào năm 2015, các chuyên gia cũng xác nhận rằng chế độ ăn giàu chất béo sẽ kích thích sản sinh dầu trên da, khiến rủi ro mọc mụn tăng lên. Càng ăn nhiều chất béo và protein, tỉ lệ viêm nhiễm càng lớn. Đó là chưa tính đến các bệnh da liễu nặng hơn như chứng vảy nến, hoặc bệnh chàm.
Hiện tại không có hướng dẫn chính xác và cụ thể nào cho chế độ Keto với mục đích giảm cân, tiểu đường và điều trị ung thư. Nhưng đối với người béo phì, họ có thể xem xét thực hiện chế độ ăn Keto ngắn hạn khoảng 1 tháng, nhưng nó phải được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc một chuyên viên dinh dưỡng đủ điều kiện. Sau đó duy trì và giảm cân dần dần với một chế độ ăn uống cân bằng hơn.
Đặc biệt đối với bệnh nhân đái tháo đường, Keto bị cấm tuyệt đối vì có thể gây ra nhiễm ketoacidosis tiểu đường.
An An(Dịch theo Sina)